Bắc Ninh Trận_Bắc_Ninh_(1884)

Tỉnh Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh là cửa ngõ của cố đô Thăng Long, là vùng đất trung chuyển giữa kinh đô xưa với miền địa đầu giáp giới Trung Quốc. Do có đường quốc lộ lên ải Bắc chạy qua, nên vị trí quân sự của Bắc Ninh cực kỳ hệ trọng. Năm 1831 trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Khi đó, đây là một tỉnh rất lớn bao gồm toàn bộ Bắc Ninh hiện nay, gần hết Bắc Giang, một phần Hà Nội, một phần Vĩnh Phúc và một ít của Lạng Sơn, chia thành 20 huyện: Đông Ngàn, Tiên Du, Yên Phong, Quế Dương, Võ Giàng, Siêu Loại, Gia Bình, Lang Tài, Văn Giang, Gia Lâm, Thiên Phúc, Hiệp Hòa, Kim Anh, Phượng Nhãn, Bảo Lộc, Lục Ngạn, Yên Thế, Hữu Lũng, Yên Dũng, Việt Yên.

Ngay từ cuối thế kỷ 17 các giáo sĩ phương Tây đã xâm nhập và coi Bắc Ninh là địa phận đầu mối của công cuộc truyền giáo ở miền Đông xứ Bắc Kỳ. Tháng 8 năm 1872 Jean Dupuis đã ngược sông Cầu đến vùng Đáp Cầu, Thổ Hà để khẳng định con đường thuận lợi từ biển thông với con sông Hồng. Hai tháng sau Đại tá Sénès cũng đã theo dòng sông Đuống vào Bắc Ninh. Giữa năm 1882 viên lãnh sự Pháp ở Hà Nội và viên chưởng lý Aumoitte đã tới Bắc Ninh để chuẩn bị cho những kế hoạch quân sự ở Bắc Kỳ và đưa ra nhận xét "Thành Bắc Ninh không quan trọng về mặt buôn bán nhưng nó là một địa điểm được lựa chọn tốt chi phối các con đường Thái Nguyên, Lạng Sơn và Hải Dương".

Thành Bắc Ninh

Bên trong thành cổ Bắc Ninh, nơi có cột cờ và kho gạo của thành.

Trấn lỵ của trấn Bắc Ninh trước kia ở xã Đáp Cầu thuộc huyện Võ Giàng. Tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long cho dời trấn lỵ cũ đến xã Lỗi Đình thuộc huyện Tiên Du.

Lúc đầu, thành Bắc Ninh chỉ được đắp bằng đất, cho tới năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thành được xây lại bằng đá ong và cuối cùng xây lại bằng gạch vào thời Thiệu Trị (1841). Thành xây tại chỗ giáp giới của 3 xã thuộc 3 huyện là Đỗ Xá (huyện Võ Giàng), Khúc Toại (huyện Yên Phong) và Lỗi Đình (huyện Tiên Du).

Thành Bắc Ninh được xây dựng theo đồ án "hình sáu cạnh". Theo hệ đo lường cổ Việt Nam, thì thành chu vi 532 trượng 3 thước 2 tấc. Tường gạch cao 9 thước. Xung quanh có hào rộng 4 trượng sâu 5 thước. Thành có 4 cửa[1] mỗi cửa đều có cầu đi qua hào. Ở sáu góc thành đều có pháo đài nhô ra ngoài, theo kiểu dáng điển hình Vauban. Đây rõ ràng là một thành lớn sau thành Hà Nội, chứng tỏ sự quan tâm nhiều của triều Nguyễn đối với tầm quan trọng mọi mặt của đất Bắc Ninh.

Thành Bắc Ninh có tọa độ là 21010'59" N và 106003'34" E .

Lực lượng đôi bên

Thành Bắc Ninh là một căn cứ tập trung khá đông quân đội Việt và quân đội Thanh. Tổng chỉ huy quân Thanh là Từ Diên Húc (徐延旭), tổng đốc Quảng Tây. Do già yếu nên Từ Diên Húc đóng ở Lạng Sơn, giao quyền chỉ huy quân Thanh cho các thuộc tướng của mình là Hoàng Quế Lan (黃桂蘭) và Triệu Ốc (趙沃). Hai tướng Hoàng và Triệu là các tướng dày dặn kinh nghiệm của các đạo quân An Huy và Hồ Nam, nhưng lại kình địch và không phối hợp với nhau. Tổng số quân Thanh lên đến 20.000 quân, nửa đóng dọc đường cái quan về hướng tây nam thành Bắc Ninh. Nửa còn lại đóng ở phía đông trên bình nguyên Trung Sơn và Đáp Cầu, phòng ngự hướng nam và nhìn ra bến sông đi Thái NguyênLạng Sơn tại Phú Cẩm và Đáp Cầu.[2]

Trước thất bại vừa rồi trong trận thành Sơn Tây, Tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản nao núng, nên ông cho rút quân ra khỏi thành về đóng ở huyện Tiên Du. Cho nên lúc bấy giờ ở ngoại vi thành chỉ có tướng nhà Thanh là Triệu Ốc[3] trấn giữ, ở trong thành chỉ có Bố chính Nguyễn Tu, Án sát Nguyễn Ngọc Trân cùng 10.000 quân Thanh[4] do Thống lĩnh Hoàng Quế Lan chỉ huy.

Phía quân Pháp có cả thảy 16.300 quân, 55 khẩu đại bác và 6 tàu chiến. Đặc biệt, là lần này có thêm một công cụ mới để điều tra quan sát trận địa đó là chiếc khí cầu. Lực lượng quân viễn chinh Pháp tập trung cho trận này là lực lượng lớn nhất kể từ trước tới nay trong chiến dịch Bắc Kỳ. Sau khi để lại một lực lượng đồn trú, tướng Millot giao cho mỗi lữ đoàn trưởng của mình hai trung đoàn, mỗi trung đoàn gồm ba tiểu đoàn bộ binh. Theo nguyên tắc, ông không được thành lập các tiểu đoàn hỗn hợp lính hải quân đánh bộ, lính Bắc Phi và lính nội địa Pháp, nên ông phải thành lập một trung đoàn lính hải quân đánh bộ, hai trung đoàn Bắc Phi, và một trung đoàn Pháp. Một trung đoàn lính Bắc Phi gồm ba tiểu đoàn lính bộ binh người Algeria, trong khi trung đoàn kia gồm các đơn vị lính người Âu thuộc quân Lê Dương và bộ binh nhẹ châu Phi. Bốn trung đoàn này được chỉ huy bởi các trung tá Lieutenant-Colonels Bertaux-Levillain, Belin, Duchesne và Defoy. Ngoài ra mỗi lữ đoàn còn có một tiểu đoàn lính thủy vũ trang (fusiliers-marins), được chỉ huy bởi các thuyền trưởng Laguerre và de Beaumont.